Nhiều tháng qua, mặt nước lòng hồ thuỷ điện Yaly, huyện Sa Thầy, nổi váng, bốc mùi hôi thối ảnh hưởng nhiều người dân sống xung quanh.
Có 2 sào đất sát bờ hồ, sau khi thu hoạch vụ mì, ông Cầu cải tạo đất để trồng lúa. Công việc của ông trễ hơn mọi năm do ngại lội xuống ruộng khi nguồn nước bị ô nhiễm và mùi hôi thối xộc lên. “Những hôm nắng to, mùi hôi nồng nặc, không ai dám ra đồng”, ông Cầu nói và cho hay, khi chưa ô nhiễm, thuỷ sản ở hồ dồi dào, có đêm ông bắt vài chục kg tôm cá nhưng gần đây khan hiếm.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sa Thầy, cho biết quanh khu vực lòng hồ có gần 300 ha đất sản xuất bán ngập, chủ yếu trồng cây mì. Khi người dân thu hoạch xong, thân, lá, củ mì còn sót lại bị phân huỷ khi nước lòng hồ dâng cao. Đây là nguyên nhân dẫn đến nước ở hồ nổi váng, bốc mùi.
Trưa 18/1, ở hạ nguồn suối Đăk Xier – nơi đổ ra lòng hồ thuỷ điện Yaly xuất hiện màu nước xanh đục, đặc quánh dạt vào hai bên bờ và những vùng nước động. Hàng trăm hộ dân xã Ya Xiêr, Ya Tăng và Ya Ly sống và canh tác ở hai bên bờ hồ tỏ ra khó chịu vì mùi hôi thối bốc lên từ những vũng nước ô nhiễm.
Ông Phạm Văn Cầu, 53 tuổi, ở làng Kiến Hưng, xã Ya Ly, cho biết những năm trước nước lòng hồ cũng đổi màu, bốc mùi nhưng không nghiêm trọng như năm nay. Nếu không sớm xử lý, nguồn nước bị ô nhiễm ngấm sâu vào đất, ảnh hưởng sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Nhà máy thủy điện Yaly nằm trên dòng Krông B’Lah, ở ranh giới huyện Sa Thầy (Kon Tum) và huyện Chư Păh. Công trình khởi công năm 1993 và hoàn thành năm 2002, công suất 720 MW. Lòng hồ thủy điện rộng hơn 64 km2, phần lớn nằm ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.
Theo ông Lâm, việc người dân phản ảnh nguồn nước bị ô nhiễm do một nhà máy mủ cao su và 2 nhà máy bột sắn ở thượng nguồn suối Đăk Xier là “không có cơ sở”. Bởi các nhà máy này đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt loại A (không gây ô nhiễm), đồng thời lắp hệ thống quan trắc tự động, truyền dữ liệu về để cơ quan chức năng kiểm soát xả thải.
“Giải pháp để hạn chế tình trạng ô nhiễm là vận động bà con thu gom hết củ, thân, lá mì khi kết thúc mùa vụ”, ông Lâm nói.
Ông Đoàn Tiến Cường, Giám đốc Công ty thuỷ điện Yaly, cho hay đang đi công tác và chưa nắm được thông tin khu vực lòng hồ thủy điện bị ô nhiễm. “Đơn vị sẽ kiểm tra lại rồi cung cấp sau”, ông Cường nói..